Linux là một môi trường lập trình rất mạnh, đó là nhờ có sự trợ giúp của các công cụ lập trình mã nguồn mở được tích hợp săn trên Linux. Nếu mới sử dụng Linux, có thể bạn sẽ gặp đôi chút khó khăn trong khi sử dụng những công cụ đó. Bài viết này sẽ giới thiệu đôi nét về 10 công cụ lập trình của Linux để giúp bạn làm quen với những công cụ này.
1. Bluefish
Bluefish là một môi trường phát triển (IDE) web được sử dụng phổ biến nhất hiện nay. Nó có thể điều khiển các ngôn ngữ đánh dấu và lập trình, nhưng nó chỉ chú trọng vào việc phát triển những website động và tương tác. Cũng giống như nhiều ứng dụng Linux khác, Bluefish là một ứng dụng nhẹ (cần khoảng 30% đến 40% tài nguyên mà các ứng dụng cùng loại sử dụng) và chạy rất nhanh. Bluefish có thể cùng lúc mở nhiều tài liệu (có thể lên đến 3.500). Ngoài ra nó cũng tích hợp công cụ hỗ trợ dự án, hỗ trợ file từ xa, tìm kiếm và thay thế (gồm những biểu thức thông thường), không giới hạn undo/redo, tùy chỉnh cú pháp cho nhiều ngôn ngữ, làm mịn chữ trong cửa sổ, hỗ trợ nhiều loại mã hóa và nhiều tính năng khác.
Một trong những tính năng đáng chú ý của Bluefish đó là Quickba (một thanh công cụ do người dùng tạo) cho phép người dùng thêm vào đó nhiều nút lệnh bằng cách phải chuột và chọn Add To Quickbar, hơn nữa, bạn cũng có thể bổ sung các nút lệnh trên thanh công cụ HTML vào Quickbar. Bluefish gồm có nhiều công cụ đơn giản giúp người dùng bổ sung nhiều loại phần tử vào code. Bạn chỉ cần lựa chọn Auto-submit Select Box từ danh sách DHTML, sau đó chọn những mục cần thiết để chèn phần từ đó vào code. Bluefish tích hợp nhiều wizard (thuật sĩ) cho C, Apache, DHTML, DocBook, HTML, PHP+HTML và SQL. Bluefish là công cụ rất thích hợp cho phương pháp thiết kế website thủ công.
2. Anjuta
Anjuta là một IDE mã nguồn mở, miễn phí cho ngôn ngữ lập trình C và C++. Công cụ này rất dễ cài đặt (ví dụ, chạy lệnh urpmi anjuta trên Mandriva), và cũng hỗ trợ nhiều tính năng như quản lý dự án, wizard ứng dụng, trình gỡ rối tương tác và một trình soạn thảo mã nguồn mở mạnh. Nhóm công cụ Anjuta làm cho môi trường IDE này rất dễ sử dụng và đáp ứng được mọi nhu cầu của ngôn ngữ lập trình C và C++.
Giao diện người dùng của Anjuta rất mạnh, linh hoạt, và cho phép người dùng tùy ý bố cục layout trong GUI. Ngoài ra mỗi cách sắp xếp của người dùng luôn được giữ nguyên trên các dự án (vì vậy mỗi dự án của bạn sẽ có một layout khác nhau). Anjuta cũng tích hợp một hệ thống plug-in khá mạnh, hệ thống này cho phép người dùng có thể tùy ý kích hoạt từng loại plug-in cần thiết. Cũng như nhiều dự án mã nguồn mở khác, bạn có thể tự phát triển plug-in riêng trên Anjuta. Một trong những công cụ mạnh nhất của Anjuta là trình quản lý dự án, công cụ này có thể mở hầu hết các dự án Automake hay nền tảng autoconf. Trình quản lý dự án này không bổ sung thông tin về Anjuta vào dự án vì vậy mà dự án của bạn cũng có thể duy trì và phát triển bên ngoài Anjuta.
3. Glade
Glade (được sử dụng cho GNOME desktop) là một công cụ RAD (phát triển ứng dụng nhanh) được dùng để tạo ra bộ công cụ GTK+. Glade có giao diện giống với giao diện của The GIMP (công cụ tạo ảnh của GNU) và có thể tùy chỉnh, thậm chí nhúng vào Anjuta. Glade gồm nhiều nhóm công cụ xây dựng giao diện như textbox, nhãn thoại, mục nhập dạng số, hộp chọn và thực đơn. Bản thiết kế giao diện được lưu dưới định dạng XML (có thể mở được trên các công cụ khác). Cài đặt Glade cũng rất đơn giản. Ví dụ, trong Fedora bạn chỉ cần dùng lệnh yum install glade3. Glade không mạnh bằng trình quản lý dự án Anjuta, nhưng bạn vẫn có thể thực hiện tạo, chỉnh sửa và lưu dự án.
4. Gcc
Gcc là một trình biên dịch GNU được sử dụng cho C, C++, Objective C, FORTRAN, Java và Ada. Đây là một công cụ dạng dòng lệnh nhưng nó rất mạnh. Nhiều IDE tích hợp một số thiết bị ngoại vi cho gcc. Gcc chủ yếu được sử dụng để biên dịch code của C và C++. Có lẽ bạn đang tự hỏi tại sao một công cụ lại biên dịch được 2 ngôn ngữ khác nhau? Đây chính là sự khác biệt của gcc. Với ngôn ngữ C bạn chỉ cần dùng lệnh gcc, và dùng lệnh g++ với C++. Có thể nói gcc gồm 2 trình biên dịch, và g++ là một trong số đó chứ không phải là một preprocessor (chương trình xử lý dữ liệu đầu vào và kết xuất sang một chương trình khác). G++ sẽ tạo code cho đối tượng trực tiếp từ nguồn code mà không cần đến chương trình trung gian để tạo code trên C từ nguồn C++. Quá trình này giúp tạo ra code chính xác hơn và cung cấp cho bạn đầy đủ thông tin gỡ rối.
5. Kdevelop
Kdevelop được tạo ra từ năm 1998. Đây là một IDE dễ sử dụng dành cho desktop KDE. Kdevelop hiện nay được tung ra theo giấy phép GPL và hoàn toàn miễn phí. Nó sử dụng nền tảng plug-in, vì vậy người dùng có thể bổ sung và gỡ bỏ plug để cài đặt chính xác tính năng cần thiết. Kdevelop cũng tích hợp tính năng hỗ trợ hiện trạng do đó nhiều loại cài đặt pug-in có thể được sử dụng trong những dự án cụ thể. Kdevelop hỗ trợ 15 ngôn ngữ lập trình cùng với nhiều tính năng hỗ trợ cho mỗi ngôn ngữ. Ngoài ra Kdevelop cũng tích hợp trình gỡ rối, hệ thống kiểm soát phiên bản, wizard ứng dụng, trình xem tài liệu, tính năng chia code, tương thích Doxygen, nhóm công cụ RAD, hỗ trợ Ctags, tái định dạng code, QuickOpen, cửa sổ và thanh công cụ neo. Một trong những tính năng đáng chú ý của Kdevelop là nó tự động thực hiện nhiều tác vụ cấp thấp, như giải quyết các vấn đề với tiện ích Make, Automake và Configure. Kdevelop còn tích hợp Automake Manager để đơn giản hóa quá trình sử dụng nhóm tiện ích này. Ngoài ra bạn còn có thể dễ dàng phân biệt lỗi, cảnh báo, và thông báo nhờ cửa sổ kết xuất của trình biên dịch được mầu hóa.
6. Gdb
Gdb không thực sự là một công cụ hỗ trợ lập trình nhưng nó lại là công cụ khá cần thiết với những người lập trình trên *NIX. Gdb là một trình gỡ rối của GNU. Công cụ dạng dòng lệnh này sẽ thường xuyên gửi thông tin phản hồi cho người lập trình từ một chương trình khác khi nó đang chạy. Giả sử bạn đang trong giai đoạn thử nghiệm một chương trình và gặp nhiều khó khăn trong việc xác định lỗi. Bạn chỉ cần chạy chương trình này từ công cụ gdb, và bạn đã có thể xác định vị trí của lỗi trong chương trình đó.
Gdb giúp bạn thực hiện các thao tác sau:
* Khởi chạy chương trình (định rõ đối số, khóa chuyển đổi hay đầu vào có thể ảnh hưởng tới sự vận hành).
* Làm gián đoán chương trình sau mỗi tiến trình cụ thể.
* Kiểm tra lỗi xảy ra mỗi khi chương trình dừng lại.
* Thay đổi chương trình để bạn có thể dễ dàng kiểm tra.
Ngoài ra gdb cũng rất hữu dụng trong khi thông báo lỗi.
7. Kompozer
Komposer là một công cụ tác chủ web trên WYSIWYG rất dễ sử dụng. Nó được tạo ra để giúp những đối tượng người dùng chưa có kinh nghiệm tạo ra một website chuyên nghiệp mà không cần hiểu biết về HTML. Kompozer có rất nhiều tính năng đáng chú ý. Tính năng phải kể đến đầu tiên đó là khả năng mở một website từ địa chỉ URL, thực hiện hiệu chỉnh và sau đó tải nó lên. Tính năng này giúp cập nhật website mà không cần phải sửa lệnh HTML. Ngoài ra nó cũng cho phép sử dụng những website khác như các bản mẫu. Do đó bạn không nên coi công cụ này chỉ dành cho những người không có kinh nghiệm, mà đây là công cụ mã nguồn mở có thể thay thế Microsoft Frontpage và Adobe Dreamweaver. Bạn có thể sử dụng Kompozer để chỉnh sửa trên code hay trên WYSIWYG.
8. Eclipse
Eclipse là một IDE đa ngôn ngữ được viết trên Java với một hệ thống plug-in mở rộng cho phép người dùng bổ sung nhiều tính năng. Eclipse là một trong số công cụ phát triển phần mềm mạnh nhất hiện nay. Thực ra Eclipse là một môi trường tiêu chuẩn cho phát triển mã nguồn mở. Có lẽ điểm mạnh nhất của Eclipse là tính năng plug-in, Eclipse có thể sử dụng ngôn ngữ lập trình để tạo ra 58 loại plug-in khác nhau.
9. Make
Make là một tiện ích Linux có thể tự xác định những phần nhỏ trong một chương trình lớn cần được lập trình lại. Khi đã xác định được những phần đó nó sẽ tự chạy những lệnh cần thiết để kết thúc tiến trình. Make thường được sử dụng khi cài đặt những ứng dụng từ nguồn, vì vậy mà người lập trình ứng dụng mã nguồn mở sẽ biết về công cụ này và cách thức hoạt động của nó. Nếu dự định phát triển một chương trình có thể được cài đặt từ nguồn, bạn cần phải biết phương pháp tạo một makefile. File này sẽ mô tả mối quan hệ giữa các file trong ứng dụng đó và chứa nhiều câu lệnh giúp liên kết chúng lại với nhau. Nếu đã biết cách cái đặt ứng dụng, chắc hẳn bạn sẽ biết chuỗi lệnh ./configure; make; make install.
10. Quanta Plus
Quanta Plus là một công cụ phát triển HTML giống như Kompozer. Quanta Plus có thể thực hiện mã hóa bằng WYSIWYG và mã hóa thủ công, ngoài ra nó cũng hỗ trợ: HTML, XHTML, CSS, XML (hay những ngôn ngữ nền tảng XML), và PHP. Quanta Plus gồm nhiều loại thẻ, quản lý dự án, trực quan, trình sửa lỗi PHP, hỗ trợ CVS, hỗ trợ Subversion. Trong khi Kompozer chỉ hướng tới đối tượng người dùng chưa có kinh nghiệm, Quanta Plus lại hướng vào những đối tượng đã có kinh nghiệm muốn có một trình soạn thảo WYSIWYG chuyên nghiệp.
Theo Quantrimang (TechRepublic)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét